07/04/2018 | lượt xem: 9 Hưng Yên: Xử lý các điểm "nóng" về môi trường Cùng với sự gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ô nhiễm, suy thoái môi trường cũng đang ngày càng gia tăng ở cả phạm vi và mức độ. Tình trạng xả chất thải vượt quy chuẩn ra môi trường gây ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Theo tổng hợp, đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, có trên 40% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thanh tra, kiểm tra hàng năm phát hiện có vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Một số địa bàn đã trở thành những điểm “nóng”, bức xúc về môi trường cần sự chung tay quản lý, kiểm soát của các ngành chức năng và chính quyền các cấp. Lấy mẫu nước thải tại Công ty TNHH Toko Việt Nam Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 20.10.2016 của UBND tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, xây dựng các phương án xử lý ô nhiễm môi trường. Song song với việc duy trì vận hành hệ thống quan trắc môi trường của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, lập danh sách các cơ sở phát sinh khí thải, nước thải lớn, nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và tham mưu với UBND tỉnh đưa vào danh mục các cơ sở phải thực hiện quan trắc khí thải, nước thải tự động, liên tục. Kết quả, có 1 cơ sở phải thực hiện quan trắc khí thải tự động và 40 cơ sở phải thực hiện quan trắc nước thải tự động. Theo quy định của UBND tỉnh, tùy theo lưu lượng xả thải, các cơ sở này phải hoàn thành lắp đặt, vận hành thiết bị quan trắc tự động xong trong năm 2018. Ông Nguyễn Hải Hà, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối - Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối cho biết: “Là đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định của pháp luật nên ngay từ tháng 3.2017, công ty đã hoàn thành việc lắp đặt và duy trì vận hành thiết bị quan trắc tự động. Song song với đó, định kỳ hàng tuần công ty thực hiện lấy mẫu nước thải ngẫu nhiên để phân tích trong phòng thí nghiệm của công ty để phát hiện kịp thời các vấn đề về chất lượng nước thải sau xử lý. Hiện nước thải sau xử lý của công ty đã đạt loại B theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đang tích cực cải tạo, nâng cấp nhằm đạt loại A theo quy định của tỉnh”. Không chỉ thực hiện các biện pháp kiểm soát nguồn thải, việc điều tra, khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, nguồn nước cũng được tăng cường. Với việc lấy mẫu phân tích chất lượng khí thải, nước thải cùng với sự phản ánh, kiến nghị của nhân dân, ngày 25.1.2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập danh sách các khu vực điểm “nóng” về môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 10 khu vực điểm “nóng” về môi trường gồm: Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh; Làng nghề sản xuất đậu phụ Xuân Lôi, xã Đình Dù; Làng nghề chế biến bóng bì Bình Lương, xã Tân Quang; làng nghề tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo (Văn Lâm); Làng nghề tái chế nhựa Phan Bôi, xã Dị Sử (Mỹ Hào); sông Đình Dù (hay còn gọi là sông Như Quỳnh); sông Cầu Lường; sông Bần Vũ Xá; kênh Trần Thành Ngọ; sông Bắc Hưng Hải. Đây là các khu vực có mẫu nước thải, khí thải đo được thường xuyên có các chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, thậm chí có mẫu nước thải, khí thải có chỉ tiêu vượt hàng trăm, hàng nghìn lần quy chuẩn cho phép. Theo đánh giá của ngành chức năng, ô nhiễm môi trường tại các khu vực này đã có những tác động tiêu cực tới sản xuất và cả sức khỏe người dân. Theo kết quả điều tra, khảo sát của Viện Tưới tiêu và môi trường Nước (Bộ Nông nghiệp và PTNT) do PGS-TS Vũ Thị Thanh Hương thực hiện cho thấy các khu vực “điểm nóng” về môi trường, đặc biệt là khu vực ô nhiễm nước sông ở Hưng Yên đã có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả khảo sát từ năm 2012 đến nay cho thấy, tại các xã có nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng có tỷ lệ người mắc tiêu chảy tăng tới 2,5 – 6% so với các địa phương khác, tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa ở phụ nữ chiếm 53,2 – 76,9%, tỷ lệ mắc bệnh ngoài da chiếm 5 – 9,2%... Tại khu vực điểm “nóng” về môi trường, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra định kỳ theo thẩm quyền; tiến hành điều tra, khảo sát, giám sát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao. Chính quyền cấp xã cử cán bộ trực tiếp giám sát tình hình xả thải tại các điểm “nóng” định kỳ 3 – 4 lần/tuần và báo cáo ngay cho UBND cấp huyện, đường dây nóng của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Công an tỉnh và tiến hành lấy mẫu nước thải tại cửa xả ra môi trường trong vòng 1 giờ đồng hồ khi phát hiện nước thải có dấu hiệu không đạt quy chuẩn hoặc các vi phạm về môi trường. Ô nhiễm môi trường đang ngày càng gây nên những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới sản xuất và sức khỏe. Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trong công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm là yếu tố quan trọng nên trong những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Năm 2017, qua góp ý về môi trường, UBND tỉnh đã từ chối tiếp nhận 14 dự án đầu tư. Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thiết lập đường dây nóng gồm số điện thoại: 02213.863624 và email: vanphong.tnhy@gmail.com hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ vào tất cả các ngày, kể cả ngày lễ, tết để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường. nguồn: baohungyen.vn
Hướng dẫn thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường khi có mưa to gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải
Hỗ trợ người dân xây hố (bể chứa) để xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình: Mô hình hay của huyện Phù Cừ
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Hội nghị sơ kết Chương trình phối hợp tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020