Hướng dẫn tổ chức các hoạt động thuộc “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2018

Ngày 05 tháng 6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2018 là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Thực hiện Công văn số 2035/BTNMT-TTTNMT ngày 20/4/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công văn số 1203/UBND-KT2 ngày 09/5/2018 của UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động thuộc “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2018. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các văn bản về công tác bảo vệ môi trường của UBND tỉnh: Chỉ thị số 04/2009/CT-UBND ngày 31/3/2009 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 20/10/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 11/4/2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 ban hành Quy định bảo vệ môi trường tỉnh.

2. Tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường địa phương, cộng đồng dân cư nơi doanh nghiệp hoạt động trong việc giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường, tham gia xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường.

3. Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị sản suất, giảm thiểu sử dụng lao động trực tiếp trong các công đoạn sản xuất có phát sinh nhiều chất thải làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động; chú trọng sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện năng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

4. Tự kiểm tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường: việc lập và thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường; lắp đặt, vận hành trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục; xây dưng công trình bảo vệ môi trường, lập và đề nghị xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; báo cáo tình hình quản lý chất thải nguy hại, đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ theo quy định.

Bố trí cán bộ phụ trách về môi trường; rà soát, đánh giá các rủi ro, sự cố về môi trường, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt việc phân loại chất thải, lưu giữ chất thải theo quy định; thường xuyên kiểm tra hiệu quả hoạt động của hệ thống xử lý nước thải, khí thải và bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị xử lý môi trường; kiểm tra các trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố cháy nổ, sự cố môi trường, đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi có sự cố môi trường. Trang bị các phương tiện bảo hộ cho người lao động; định kỳ tập huấn cho cán bộ, công nhân viên thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, ứng phó sự cố môi trường.

5. Đối với các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải: tăng tần suất vận chuyển, xử lý chất thải; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới thân thiện với môi trường trong thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, thu năng lượng, đảm bảo xử lý chất thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

6. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, công nhân, người lao động thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường tại nơi ở, nơi làm việc; thực hiện đổ rác thải đúng nơi quy định, không vứt rác thải bừa bãi, hạn chế tối đa việc sử dụng và thải bỏ chất thải nhựa, nilon. Treo băng rôn, panô, áp phích khẩu hiệu tuyên truyền về chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” tại vị trí cổng chính đơn vị, nơi làm việc nhằm kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quan tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa (Gửi kèm theo một số khẩu hiệu Ngày Môi trường thế giới; Để biết thêm các tài liệu, mẫu thiết kế băng rôn, panô, áp phích về Ngày Môi trường thế giới tham khảo tại Cổng thông tin điện tử http://sotnmt.hungyen.gov.vn  chuyên mục Văn bản hoặc tải tại đây Tk MTTG 2018-Ai (1).rar  và TK MTTG 2018 jp.rar.)

Tổ chức các hoạt động với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công nhân, người lao động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018, như: hội thi tìm hiểu về chủ đề môi trường; thi cải tiến, ứng dụng trong sản xuất góp phần giảm thiểu chất thải bảo vệ môi trường; thi làm các sản phẩm tái chế... Ra quân dọn vệ sinh tại nơi sản xuất, nơi làm việc, khuôn viên đơn vị, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp; trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện và báo cáo kết quả triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 về Sở trước ngày 30/7/2018 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường./.

Cổng thông tin điện tử sở TN&MT

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
35 người đang online