QUẢN LÝ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI, XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, sáng ngày 13/03, tại Hà Nội, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo khu vực phía bắc với nội dung “Quản lý bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp”. Dự và chủ trì cuộc họp có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, cùng đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức cho biết: Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, chăn nuôi lợn có khoảng 4 triệu hộ, chăn nuôi gia cầm khoảng 8 triệu hộ, với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc. Có khoảng 40% chất thải không qua xử lý thải ra môi trường, 60% còn lại được xử lý, tuy nhiên phần lớn nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép. Trong những năm  qua, công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Đại diện bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng kiến nghị, thời gian tới cần quản lý quy hoạch chăn nuôi theo lộ trình, xoá bỏ dứt điểm các loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực. Quy định chặt chẽ về quy trình thủ tục, yêu cầu kỹ thuật lưu giữ, quản lý và xử lý nhằm tái chế chất thải chăn nuôi thành thức ăn thuỷ sản hoặc phân bón; đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường riêng cho lĩnh vực chăn nuôi.

 

 

 Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức phát biểu tham luận

Nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên – Tiến sĩ Bùi Thế Cử cho biết: phần lớn các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ không có đủ điều kiện về tài chính để thực hiện đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn về môi trường. Trong khi đó, ngân sách nhà nước của tỉnh còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cho hoạt động bảo vệ môi trường. Ông Bùi Thế cử kiến nghị Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến về xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với từng quy mô chăn nuôi. Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, chế biến chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.

 

 

Thực trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi tại nhiều địa phương

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám thông tin, hiện nay Chính phủ giao cho bộ xây dựng dự án luật chăn nuôi và trồng trọt để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong kỳ họp tới vào tháng 5/2018. Hội thảo là dịp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận ý kiến đóng góp, giúp xây dựng chính sách để công tác quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả hơn.

 

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám phát biểu tại hội thảo

Ghi nhận những ý kiến góp ý tại buổi hội thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị sau buổi hội thảo, dựa trên báo cáo và tham luận của đại biểu, cơ quan chuyên môn sẽ tổng hợp lại những kiến nghị trình Uỷ ban Thường vụ xem xét để kịp thời gửi Chính phủ nhằm chỉnh sửa, tiếp thu và có những điều chỉnh phù hợp.

 

 

 Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng cho biết, trong phiên họp thường vụ vào tháng 4/2018 Ủy ban Thường vụ dự kiến tổ chức phiên giải trình về vấn đề liên quan đến chất thải trong đó có chất thải chăn nuôi. Từ đó, sẽ đưa ra những giải pháp tháo gỡ hiệu quả chất thải chăn nuôi để vừa bảo vệ tốt môi trường, vừa đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ./.

nguồn: quchoi.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
135 người đang online